Lập kế hoạch nội dung Marketing là sự trình bày kế hoạch marketing với cấu trúc bao gồm: Tóm lược, phân tích, mục tiêu và định hướng chiến lược, nội dung marketing-mix, chương trình, ngân sách, kiểm tra.
Cấu trúc nội dung kế hoạch marketing
Trong thực tế, nội dung của một kế hoạch marketing có thể được trình bày theo cấu trúc sau:
Tóm lược – khái quát về kế hoạch: Trình bày một cách ngắn gọn về các vấn đề, mục tiêu, chiến lược và các hoạt động chính, các mục tiêu kì vọng trong kế hoạch.
Phân tích bối cảnh marketing: Phân tích những số liệu lịch sử liên quan đến thị trường, sản phẩm, cạnh tranh, phân phối và các yếu tố môi trường vĩ mô. Đánh giá kết quả kinh doanh và các chương trình marketing mà doanh nghiệp đã thực hiện cho sản phẩm, thương hiệu trong thời gian qua.
Phân tích những cơ hội và vấn đề: Phân tích các xu hướng và điều kiện mới của thị trường sản phẩm. Bao gồm cả qui mô và tốc độ tăng trưởng của toàn bộ thị trường và những đoạn thị trường chính.
Phân tích SWOT: Thời cơ, nguy cơ đối với sản phẩm, thương hiệu mà kế hoạch phải khai thác hoặc đối phó trong thời gian tới, điểm mạnh và điểm yếu của sản phẩm, thương hiệu và doanh nghiệp mà kế hoạch phải tính đến và phải đối mặt.
Mục tiêu và định hướng chiến lược marketing: Xác định những mục tiêu chủ yếu mà kế hoạch muốn đạt được về khối lượng tiêu thụ, lợi nhuận… Xác định các nguyên tắc và định hướng chiến lược dẫn dắt hoạt động marketing của doanh nghiệp trên thị trường trong thời kì kế hoạch. Bao gồm xác định các nội dung chủ yếu như thị trường mục tiêu, định vị, các trọng tâm chiến lược.
Nội dung của marketing-mix: Xác lập của marketing-mix gồm: Đặc tính, chủng loại sản phẩm, thương hiệu, nhãn hiệu, bao gói, định giá, hệ thống phân phối, lực lượng bán, dịch vụ, quả cáo, khuyến mại.
Chương trình hành động: Đây là một kế hoạch thực hiện chi tiết cho biện pháp trong hỗn hợp marketing nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả và phối hợp được hoạt động giữa các phòng ban chức năng. Trong đó cần chỉ ra được:
- - Thị trường mục tiêu sẽ phục vụ
- - Những công việc phải làm, các hoạt động cụ thể trong từng nhóm, biện pháp marketing
- - Ai là người chịu trách nhiệm thực hiện từng hoạt động, phân công con người, bộ phận cụ thể để thực hiện
- - Thời gian thực hiện và các mốc thời điểm bắt đầu và kết thúc từng hoạt động
- - Ngân sách dành cho mỗi hoạt động hay chi phí là bao nhiêu.
Mỗi hoạt động marketing lại được cụ thể hoá thành kế hoạch thực hiện cụ thể như kế hoạch quảng cáo, kế hoạch PR hay kế hoạch bán hàng.
Ví dụ, chương trình ghi rõ khi nào doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới, đầu tư bao nhiêu cho phát triển sản phẩm mới, bộ phận thực niên, thời gian hoàn thành… Kế hoạch quảng cáo gồm chi phí cho quảng cáo là bao nhiêu, khi nào tiến hành và ai thực hiện quảng cáo…
Phân tích tài chính và dự kiến lãi lỗ.
Kiểm tra: Xác định hệ thống chỉ tiêu và cơ chế kiểm tra, đánh giá thường xuyên kế hoạch marketing này trong suốt thời gian thực hiện, đồng thời, xác định rõ các hành động cần thực hiện để đối phó với những thay đổi trong thời gian thực hiện kế hoạch.
Nguồn: marketingtrips.com